Cách tính lương

Tiền lương luôn là vấn đề nóng và được quan tâm ở hầu hết các công ty hiện nay. Dù ở bất kỳ quy mô nào, người quản lý nhân sự của doanh nghiệp cũng cần nắm rõ các quy định, nguyên tắc tính lương theo pháp luật Việt Nam đồng thời hiểu rõ các hình thức trả lương khác nhau để lựa chọn chiến lược phù hợp cho từng mô hình kinh doanh. Hãy theo dõi và cùng tìm hiểu cách tính lương và các hình thức trả lương phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Cách tính lương cơ bản 2020

Cách tính lương cơ bản 2020

Lương cơ bản là tiền lương thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động. Lương cơ bản sẽ không bao gồm phụ cấp, tiền thưởng hay các khoản phí bổ sung, phúc lợi khác.

Khi xác định lương cơ bản, doanh nghiệp cần phải căn cứ vào mức lương tối thiểu: Đối với khối Hành chính sự nghiệp thì lấy theo lương tối thiểu chung: hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng – Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP về mức lương cơ sở của cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang (ban hành ngày 9/5/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019).

Đối với người lao động chưa qua đào tạo, mức lương cơ bản không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc cao hơn ít nhất 7%.

Mức lương tối thiểu vùng

Để tránh việc quyền lợi bị xâm phạm vì thiếu hiểu biết về pháp luật, người lao động tại các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà Nước cần trang bị cho mình những thông tin cần thiết, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến tiền lương. Dưới đây là mức lương tối thiểu vùng được áp dụng với người lao động tại các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam:

  • Mức lương cơ bản vùng 1: 4,18 triệu đồng/tháng
  • Mức lương cơ bản vùng 2: 3,71 triệu đồng/tháng
  • Mức lương cơ bản vùng 3: 3,25 triệu đồng/tháng
  • Mức lương cơ bản vùng 4: 2,92 triệu đồng/tháng.

Mức lương cơ bản của người lao động tại các doanh nghiệp

Mức lương cơ bản của người lao động tại các doanh nghiệp

Khi xây dựng mức lương cơ bản, các doanh nghiệp phải tuân thủ: Không được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đồng thời phải cộng thêm 7% nữa đối với những lao động đã được đào tạo từ cấp nghề trở lên.

Ví dụ: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phúc đang hoạt động tại TP. Hà Nội – Khi tuyển dụng nhân viên thì việc xác định mức lương cơ bản như sau:

  • Đối lao động chưa qua đào tạo nghề: chẳng hạn như bảo vệ, lao công thì mức lương trả thấp nhất đối với điều kiện làm việc bình thường, đáp ứng đủ thời gian làm việc trong tháng là 4.420.000 đồng.
  • Đối với lao động đã qua đào tạo nghề như nhân viên văn phòng, kế toán… thì mức lương trả thấp nhất đối với điều kiện làm việc bình thường, đáp ứng đủ thời gian làm việc trong tháng là: 4.420.000 + 4.420.000 * 7% = 4.729.400.

Mức lương cơ bản của người lao động thuộc cơ quan Nhà nước

Khác với người lao động làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân, đối với người lao động làm việc trong các cơ quan Nhà nước như: cán bộ, công nhân, viên chức…lương cơ bản sẽ được tính dựa trên mức lương cơ sở. Công thức tính lương cơ bản cho người lao động thuộc các cơ quan Nhà nước như sau:

Mức lương cơ bản = Lương cơ sở x hệ số lương

Ví dụ:

Thầy Phan Đình Dũng là giáo viên Tiếng Anh đang công tác tại Trường THCS Lam Sơn, thành phố Ninh Bình, nhận lương loại A2, hệ số lương 6,04. Vậy tiền lương cơ sở mỗi tháng của thầy Dũng được tính như sau:

Mức lương cơ bản = Lương cơ sở x hệ số lương = 6.04 * 1.490.000 = 8.999.600

Dựa vào công thức này, bạn có thể dễ dàng tự tính cho mình mức lương cơ bản mà bạn nhận được.

Lương cơ bản là nền tảng, cốt lõi và cơ sở để người lao động làm việc và duy trì cuộc sống. Trên thực tế, các công ty có thể trả lương cao hơn hoặc tăng các khoản phụ cấp, trợ cấp hoặc tiền thưởng khác để có thực phẩm. Cách tính lương cơ bản như trên là tính số tiền tối thiểu mà công ty phải trả – phải thỏa thuận với người lao động để ký hợp đồng lao động, còn trả cao hơn bao nhiêu mức lương cơ bản đó thì Nhà nước không khống chế. Thông thường lương cơ bản là để tham gia bảo hiểm. Nhưng hiện nay, theo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi thì mức tiền lương tham gia bảo hiểm còn bao gồm vài khoản phụ cấp khác nữa và khi sang bảo hiểm thì Luật bảo hiểm mới khống chế mức đóng.

Ví dụ: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế không được cao hơn 20 lần lương tối thiểu chung (không cao hơn 29.800.000), hay mức lương tham gia bảo hiểm xã hội không được cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu vùng (đối với vùng 1 không cao hơn 88.400.00).

>> Xem thêm: Cách tính lương giáo viên Biên chế, Hợp đồng, nghỉ thai sản

Cách tính lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu

lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội

Mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu đối với người lao động hưởng lương theo chế độ Nhà nước

Cụ thể mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (M) đối với trường hợp nhân viên thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội toàn bộ thời gian theo chế độ tiền lương nhà nước được tính như sau: 

M = (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của a năm cuối trước khi nghỉ việc)/(a*12)

Mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu đối với người lao động hưởng lương theo chế độ do người sử dụng lao động quy định

Theo khoản 2 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội, đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ tính dựa trên toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Cụ thể mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (M) đối với nhân viên hưởng lương theo chế độ do người sử dụng lao động quyết định được tính như sau: 

M = (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng)/(Tổng số tháng đóng bảo hiểm)

Đối với người lao động có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng lương theo cả chế độ lương Nhà nước và chế độ lương do người sử dụng lao động quy định

Theo khoản 3 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội, với người lao động trong trường hợp này thì mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính theo quá trình tham gia bảo hiểm xã hội theo cả hai chế độ tiền lương theo Nhà nước quy định và cả người sử dụng lao động quy định. Trong đó, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng lương theo chế độ Nhà nước và theo chế độ do người sử dụng lao động quy định thì sẽ được tính theo quy định. Cụ thể: 

M = (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định + Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của các tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định)/(Tổng số tháng đóng BHXH)

Hướng dẫn cách tính lương

Hướng dẫn cách tính lương

Những căn cứ để tính lương

  • Hợp đồng lao động
  • Bảng chấm công
  • Phiếu xác nhận sản phẩm, phiếu xác nhận hoàn thành công việc (trong trường hợp tính lương theo sản phẩm, lương khoán)
  • Quy chế lương thưởng của công ty
  • Mức lương tối thiểu vùng
  • Tỷ lệ trích các khoản theo lương (nhằm xác định số tiền đóng các khoản bảo hiểm)

Các hình thức trả lương phổ biến

Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ) là tiền lương được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, sẽ căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể như sau:

  • Tiền lương theo tháng được trả cho một tháng làm việc xác định theo thỏa thuận của hai bên hoặc trên cơ sở hợp đồng lao động.
  • Tiền lương theo tuần được trả cho một tuần làm việc xác định theo thỏa thuận của hai bên hoặc trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.
  • Tiền lương theo ngày được trả cho một ngày làm việc xác định theo thỏa thuận của hai bên hoặc trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo quy định của pháp luật mà công ty lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.
  • Tiền lương theo giờ được trả cho một giờ làm việc xác định  theo thỏa thuận của hai bên hoặc trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động.

Tiền lương theo sản phẩm là tiền lương được trả cho công nhân hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào số lượng sản phẩm hoàn thành, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng công việc, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh và các hình thức trả lương bên trên, người sử dụng lao động có thể lựa chọn hình thức trả lương bảo đảm tiền lương được trả bám sát với kết quả công việc từ đó khuyến khích người lao động nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc.

Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể.

Cách tính lương theo thời gian

Cách tính lương theo ngày công được xác định dựa trên cơ sở: Tiền lương theo tháng chia cho số ngày làm việc trong tháng, tùy vào lựa chọn của doanh nghiệp nhưng theo quy định của pháp luật tối đa không quá 26 ngày.

Theo như quy định trên thì sẽ có hai cách tính lương tháng như sau:

TH1: 

Lương tháng  = [(Lương + Các khoản phụ cấp) / Số ngày làm việc theo quy định]* Số ngày làm việc thực tế

Trong đó: Số ngày làm việc theo quy định = Số ngày trong tháng –  Số ngày nghỉ.

Ví dụ: Tháng 7/2020 có 31 ngày và có 4 chủ nhật (người lao động được nghỉ vào chủ nhật) => Số làm đi làm theo quy định là 27.

TH2: 

Thay vì việc phải tính xem mỗi tháng có bao nhiêu ngày công tiêu chuẩn để chia thì có cách tính đơn giản và nhanh gọn hơn. Đó là chọn số ngày công tiêu chuẩn cố định để chia (thông thường là 26 ngày). Cụ thể: 

Lương tháng = [(Lương + Các khoản phụ cấp)]/ 26]* Số ngày làm việc thực tế

Với công thức tính lương như trên người chủ sẽ dễ dàng hơn trong việc tính toán và theo dõi tiền lương của người lao động. Tuy nhiên tùy thuộc vào đặc thù của từng doanh nghiệp, tuỳ thuộc vào yêu cầu của người chủ mà nhân viên kế toán có thể chọn một trong hai cách tính lương trên để làm bảng lương.

>> Xem thêm: Cách tính lương công nhân đầy đủ theo bậc, chế độ và lĩnh vực đặc thù

Cách tính lương sản phẩm

Đây là cách tính lương dựa trên số lượng và chất lượng sản phẩm hoàn thành. Trả lương theo sản phẩm là hình thức được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên về sản xuất, chế tạo. Hình thức trả lương này khuyến khích người lao động nâng cao năng suất làm việc, nâng cao tay nghề, kỹ năng…..

Tiền lương sản phẩm = Đơn giá sản phẩm * Số lượng sản phẩm hoàn thành

Cách tính lương theo hình thức lương khoán

Lương khoán là cách tính lương hưởng trên số lượng, khối lượng và chất lượng công việc hoàn thành. Hình thức trả lương này có thể căn cứ theo thời gian, theo đơn vị sản phẩm hay doanh thu…

Điều chú ý trong hình thức trả lương khoán là người sử dụng lao động cần phải xác định tỷ lệ hay giá khoán một cách phù hợp. Ngoài ra, người sử dụng lao động cần đặt ra các mức hoàn thành công việc khác nhau, ở mỗi mức cao hơn sẽ có tỷ lệ khoán cao hơn, có thể kèm thêm tiền thưởng nhằm phát huy tối đa năng lực của người lao động và khuyến khích họ đạt được thành tích cao hơn trong công việc.

Lương khoán được trả sẽ căn cứ vào:

  • Hợp đồng giao khoán việc
  • Biên bản nghiệm thu công việc

Lương khoán = Mức lương khoán * Tỷ lệ hoàn thành công việc

Cách tính lương OT

Cách tính lương OT

Làm thêm giờ là khoảng thời gian người lao động làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường, được quy định trong pháp luật, nội quy lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Người lao động làm thêm giờ sẽ được trả lương làm thêm giờ, cách tính tiền lương làm ngoài giờ cụ thể như sau:

Cách tính lương theo ca làm thêm đối với người lao động hưởng lương theo thời gian

Cách tính làm thêm giờ vào ca ngày:

Tiền lương làm ngoài giờ=Tiền lương theo giờ thực trả của ngày làm việc bình thườngxTối thiểu 150% hoặc 200% hoặc 300%xSố giờ làm thêm

Cách tính lương làm ca đêm:

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm=Tiền lương theo giờ thực trả của ngày làm việc bình thườngxTối thiểu 150% hoặc 200% hoặc 300%+Tiền lương theo giờ thực trả của ngày làm việc bình thườngxTối thiểu 30%
+ 20%  xTiền lương theo giờ vào ca ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lươngxSố giờ làm thêm ca đêm

Trong đó:

– Tiền lương theo giờ thực trả của ngày làm việc được xác định dựa trên cơ sở tiền lương thực trả theo công việc đang làm của tháng mà nhân viên làm thêm giờ đem chia cho số giờ làm việc thực tế trong tháng (không quá 208 giờ). Đối với trường hợp trả lương theo ngày hoặc theo tuần thì tiền lương theo giờ thực trả sẽ được xác định dựa trên cơ sở tiền lương thực trả của ngày hoặc tuần làm việc đó (không tính tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ca đêm) chia cho số giờ thực tế làm việc trong ngày hoặc trong tuần (không quá 8 giờ/ngày và không tính số giờ làm thêm).

– Mức tối thiểu là 150% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường;

– Mức tối thiểu là 200% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;

– Mức tối thiểu là 300% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa tính đến tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động, trong trường hợp người lao động hưởng lương theo ngày.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách tính lương ngày lễ theo quy định mới nhất của Bộ luật Lao động năm 2021

– Tiền lương theo giờ vào ca ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được xác định cụ thể như sau:

+ Tiền lương theo giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, được tính tối thiểu bằng 100% so với tiền lương theo giờ thực trả của ngày làm việc bình thường trong trường hợp nhân viên không làm thêm giờ vào ca ngày của ngày đó; tối thiểu bằng 150% so với tiền lương theo giờ thực trả của ngày làm việc bình thường trong trường hợp nhân viên có làm thêm giờ vào ca ngày của ngày đó.

+ Tiền lương theo giờ vào ca ngày của ngày nghỉ hằng tuần, được tính tối thiểu bằng 200% so với tiền lương theo giờ thực trả của ngày làm việc bình thường.

+ Tiền lương theo giờ vào ca ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, được tính tối thiểu bằng 300% so với tiền lương theo giờ thực trả của ngày làm việc bình thường.

Cách tính lương theo ca làm thêm giờ đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm

Cách tính làm thêm giờ vào ca ngày:

Tiền lương làm ngoài giờ=Đơn giá tiền công sản phẩm của ngày làm việc bình thườngxTối thiểu 150% hoặc 200% hoặc 300%xSố lượng sản phẩm làm được

Cách tính lương ca đêm:

Tiền lương làm ngoài giờ =Đơn giá tiền công sản phẩm của ngày làm việc bình thườngxTối thiểu 150% hoặc 200% hoặc 300%+Đơn giá tiền công sản phẩm của ngày làm việc bình thườngxTối thiểu 30%
+ 20%  xĐơn giá tiền lương sản phẩm vào ca ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lươngxSố lượng sản phẩm làm được

Trong đó:

– Mức tối thiểu bằng 150% áp dụng với các sản phẩm làm thêm vào ngày thường;

– Mức tối thiểu bằng 200% áp dụng với các sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;

– Mức tối thiểu bằng 300% áp dụng với các sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.

– Tiền lương theo sản phẩm vào ca ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được xác định cụ thể như sau:

+ Đơn giá tiền lương theo sản phẩm vào ca ngày của ngày làm việc bình thường, được tính tối thiểu bằng 100% so với đơn giá tiền lương theo sản phẩm của ngày làm việc bình thường trong trường hợp người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó ; tối thiểu bằng 150% so với đơn giá tiền lương theo sản phẩm của ngày làm việc bình thường trong trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó;

+ Đơn giá tiền lương theo sản phẩm vào ca ngày của ngày nghỉ hằng tuần, được tính tối thiểu bằng 200% so với đơn giá sản phẩm của ngày làm việc bình thường.

+ Đơn giá tiền lương theo sản phẩm vào ca ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, được tính tối thiểu bằng 300% so với đơn giá sản phẩm của ngày làm việc bình thường.

Lời kết

Cách tính lương và xây dựng bảng lương là một trong những nghiệp vụ nhân sự quan trọng trong doanh nghiệp, có ảnh hưởng trực tiếp đến từng nhân viên. Nếu trải nghiệm đó không đáng tin cậy, thường xuyên có sai sót hoặc tốn quá nhiều thời gian thì chắc chắn sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối trong nội bộ doanh nghiệp. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã nắm rõ được cách tính lương và các hình thức trả lương phổ biến hiện nay. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, hãy để lại bình luận dưới bài viết này để chúng tôi có thể giải đáp cho bạn nhanh chóng nhé!

Related Post

Leave a Comment

Đáng quan tâm

Bài viết mới