Khấu trừ thuế gtgt đầu vào
Khấu trừ thuế GTGT đầu vào là gì

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào là loại thuế phát sinh phổ biến với hầu hết tất cả các doanh nghiệp, vì vậy, việc tuân thủ các nguyên tắc và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý. 

Vậy với những trường hợp nào thì doanh nghiệp sẽ không tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào? Hãy để SimERP giúp bạn trả lời những câu hỏi đó trong bài viết dưới đây. 

Khấu trừ thuế là gì?

Được áp dụng với thuế giá trị gia tăng – khấu trừ thuế là việc doanh nghiệp xác định số thuế GTGT cần phải nộp cho ngân sách nhà nước, dựa trên cơ sở lấy số thuế GTGT đầu ra trừ cho số thuế GTGT đầu vào.

Cụ thể, khi doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ – sẽ phải chịu mức thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ đó (là thuế GTGT đầu vào). Nhưng khi doanh nghiệp đem hàng hóa, dịch vụ đó bán lại thì chủ thể mua hàng sẽ phải chịu mức thuế GTGT tính trên giá trị của hàng hóa, dịch vụ đó (là thuế GTGT đầu ra). Khi đó:

Số thuế GTGT mà doanh nghiệp mua hàng ban đầu phải nộp = thuế GTGT đầu ra – thuế GTGT đầu vào

Bản chất của thuế GTGT là đánh vào người tiêu dùng sản phẩm – dịch vụ cuối cùng (end-user), với mục đích không để cùng một hàng hóa nhưng lại bị thu thuế trùng lặp nên mới cần đến hoạt động khấu trừ thuế.

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào là gì?

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào hiểu đơn giản là việc các doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, xác định số thuế phải nộp bằng cách bù trừ giữa số thuế GTGT đầu ra với số thuế GTGT đầu vào.

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào và đầu ra

Thuế GTGT đầu vào

Thuế giá trị gia tăng đầu vào bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định), chứng từ nộp thuế GTGT cho hàng hóa nhập khẩu, hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho đơn vị nước ngoài đồng thời đáp ứng đủ các điều kiện về khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo các khoản mục quy định tại Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.

Thuế GTGT đầu ra

Thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn GTGT, được xác định bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân với mức thuế suất thuế GTGT của hàng hóa hoặc dịch vụ đó.

Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Có 14 nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào, cụ thể như sau:

Nguyên tắc 1: Thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa hoặc dịch vụ sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, bao gồm cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT bị tổn thất.

Nguyên tắc 2: Thuế GTGT đầu vào hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh hàng chịu thuế và không chịu thuế

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa hoặc dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế hay không chịu thuế giá trị gia tăng thì chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa hoặc dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh chịu thuế GTGT.

Nguyên tắc 3: Thuế GTGT đầu vào tài sản cố định, máy móc, thiết bị

Thuế GTGT đầu vào của các loại tài sản cố định (TSCĐ), máy móc, thiết bị (kể cả thuế GTGT đầu vào của việc đi thuê những tài sản này và thuế hoạt động khác như bảo trì, sửa chữa) không được khấu trừ mà sẽ tính vào nguyên giá TSCĐ và chi phí được trừ đối với các trường hợp sau:

  • TSCĐ chuyên dùng phục vụ cho hoạt động sản xuất vũ khí, khí tài quốc phòng, an ninh;
  • TSCĐ, thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo;
  • Máy bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách, du lịch, khách sạn.

Nguyên tắc 4: Thuế GTGT đầu vào hàng cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa phục vụ mục đích cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế được khấu trừ toàn bộ (kể cả hàng hóa đó có do doanh nghiệp sản xuất hay không).

Nguyên tắc 5: Khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định của cơ quan hải quan

Thực hiện khấu trừ toàn bộ đối với số thuế GTGT đã nộp theo quy định của cơ quan hải quan (trừ trường hợp xử phạt gian lận trốn thuế)

Nguyên tắc 6: Ngoại lệ khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh không chịu thuế

Các trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào để sản xuất kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế nhưng vẫn được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào:

  • Hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại;
  • Hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển khai thác mỏ dầu khí tính đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên.

Nguyên tắc 7: Kỳ khấu trừ thuế

 Kỳ khấu trừ thuế

Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào thì sẽ được khấu trừ tại kỳ đó, không phân biệt là còn để trong kho hay đã xuất dùng.

Trường hợp nếu có sai sót: người nộp thuế được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi có quyết định thanh tra của cơ quan quản lý thuế.

Nguyên tắc 8: Xử lý số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ

Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ sẽ được tính là chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc vốn hóa vào giá trị TSCĐ (trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần từ 20 triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt).

Nguyên tắc 9: Thuế GTGT đầu vào các đơn vị đặc thù

Đối với các văn phòng tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh, các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc như bệnh viện, trạm xá, viện, trường đào tạo…sẽ không được khấu trừ hoặc hoàn thuế cho số thuế GTGT đầu vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này.

Nguyên tắc 10: Thuế GTGT đầu vào hàng hóa, dịch vụ dùng cho hoạt động không phải kê khai tính nộp thuế

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động không phải kê khai tính nộp được khấu trừ toàn bộ trừ các trường hợp sau:

– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam bao gồm:

  • Sửa chữa các phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (kể cả vật tư, phụ tùng thay thế);
  • Quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến thương mại, đầu tư; môi giới bán hàng, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
  • Đào tạo;
  • Chia giá cước dịch vụ bưu chính viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, dịch vụ thuê đường dẫn truyền và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức, cá nhân không thực hiện hoạt động kinh doanh, không phải người nộp thuế GTGT thực hiện bán tài sản.

Nguyên tắc 11: Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ dưới hình thức ủy quyền

Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ dưới hình thức ủy quyền, hóa đơn mang tên tổ chức được ủy quyền được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp dưới đây:

  • Doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản, hóa đơn trong quá trình sửa chữa đề tên người tham gia bảo hiểm. Doanh nghiệp thanh toán cho người tham gia bảo hiểm theo số tiền ghi trên hợp đồng bảo hiểm, khi đó, doanh nghiệp sẽ được kê khai khấu trừ thuế GTGT tương ứng với phần bồi thường bảo hiểm theo hóa đơn ủy quyền mà người tham gia thanh toán. Nếu số tiền thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
  • Các chi phí phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp do các thành viên sáng lập ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ (có văn bản ủy quyền): doanh nghiệp sẽ được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn mà có đứng tên cá nhân, tổ chức được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán lại số đã nhờ chi hộ cho cá nhân, tổ chức đó (tương tự thanh toán qua ngân hàng đối với các hóa đơn có giá trị từ 20 triệu trở lên).
Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ dưới hình thức ủy quyền

Nguyên tắc 12: Khấu trừ thuế GTGT đối với tài sản mang đi góp vốn

Tổ chức, cá nhân không kinh doanh góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (có chứng từ góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản), đối với trường hợp là tài sản mới mua, chưa sử dụng có hóa đơn hợp pháp được thành viên giao nhận vốn góp chấp nhận: trị giá vốn góp là giá ghi trên hóa đơn (bao gồm cả thuế GTGT) và công ty nhận vốn góp được kê khai khấu trừ thuế GTGT trên hóa đơn này.

Nguyên tắc 13: Chuyển phương pháp tính thuế GTGT

Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp chuyển sang tính toán theo phương pháp khấu trừ: được khấu trừ thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ đầu tiên kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ chuyển sang tính toán theo phương pháp: số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết sẽ được chuyển thành chi phí được trừ trường hợp xác định được thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ số thuế GTGT được hoàn trong thời hạn nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

Nguyên tắc 14: Sai sót không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Các trường hợp sau cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

  • Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng theo quy định của pháp luật chẳng hạn hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (ngoại trừ các trường hợp được dùng hóa đơn GTGT giá ghi thanh toán là giá đã có thuế GTGT);
  • Hóa đơn không ghi hoặc ghi sai một trong các chỉ tiêu như: tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
  • Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT là giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);
  • Hóa đơn ghi giá trị không đúng với giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.
  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ sản xuất kinh doanh mặt hàng không chịu thuế GTGT;
  • Kê khai thiếu đến thời điểm cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại cơ sở của người nộp thuế;
  • Không cung cấp được hoá đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa hoặc dịch vụ mua vào hoặc không có chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho đơn vị nước ngoài;
  • Không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng hóa, dịch vụ mua vào, nhập khẩu từ 20 triệu đồng trở lên.

Điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Căn cứ theo Khoản 1, khoản 2, Điều 5, Thông tư 219/2014/TT-BTC Của Bộ tài chính quy định Điều kiện để khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa hoặc dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT của khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho đơn vị nước ngoài, theo quy định của Bộ Tài chính, áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh hoặc có phát sinh thu nhập tại Việt Nam.

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả hàng hóa nhập khẩu) từ 20 triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị các hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu theo từng lần có giá trị không vượt quá 20 triệu đồng; hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn không vượt quá 20 triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà tặng, quà biếu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở nước ngoài.

Cách khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo công thức: 

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Ví dụ, công ty A nhập 1 lô hàng trị giá 200 triệu đồng với thuế GTGT là 10% – khi đó số thuế GTGT đầu vào là 20 triệu đồng. Khi công ty A xuất bán lô hàng đó đi với giá 250 triệu đồng thì người mua sẽ phải nộp số thuế GTGT là 25 triệu đồng.

Khi đó, số thuế GTGT công ty A cần nộp vào ngân sách nhà nước là: 25 – 20 = 5 triệu đồng. Đó chính là việc khấu trừ thuế GTGT.

Thời gian khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Thời gian khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong tháng nào được khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó, không phân biệt trường hợp đã xuất dùng hay còn để trong kho.

Trường hợp doanh nghiệp phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai còn sót hoá đơn chưa khấu trừ thì sẽ được kê khai, khấu trừ bổ sung. Thời gian để kê khai, khấu trừ thuế GTGT bổ sung tối đa là 6 tháng, kể từ tháng phát sinh hoá đơn bỏ sót.

Ví dụ: Cơ sở kinh doanh B có 1 hoá đơn GTGT mua vào lập ngày 10/3/2020. Trong kỳ kê khai thuế tháng 3/2012, nhân viên kế toán của cơ sở kinh doanh bỏ sót không kê khai hoá đơn này thì thời gian để cơ sở kinh doanh B được kê khai và khấu trừ bổ sung tối đa là kỳ kê khai tháng 8/2020.

Lời kết

SimERP vừa chia sẻ đến bạn đọc khái niệm, nguyên tắc và quy định khấu trừ thuế GTGT đầu vào đầy đủ và chính xác nhất. Hy vọng bạn đọc đã có được những hiểu biết nhất định về việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định của pháp luật. 

Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, hãy để lại bình luận dưới bài viết này để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất nhé!

Related Post

Leave a Comment

Đáng quan tâm

Bài viết mới